Nguyễn Hữu Ân: Phép lạ từ tấm lòng đứa con nuôi
Nguyễn Hữu Ân là con trai út trong một gia đình năm anh em ở khu Bàu Trũng, ngoại ô thành phố Vũng Tàu. Cha mẹ Ân – ông Nguyễn Hữu Thiền và bà Hoàng Thị Bích Vân, vì gia cảnh quá nghèo nên không thể cùng một lúc nuôi năm đứa con ăn học, cho nên khi Ân vừa học xong lớp 6 thì cha em gửi em lên chùa Tường Vân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, để Ân vừa làm công quả, vừa tiếp tục học hành. Tuy mới mười hai tuổi nhưng Ân đã sớm ý thức được thân phận hoàn cảnh của mình.
Khi ba người anh trai của Ân bước vào đại học thì từng thửa đất sau nhà cũng lần lượt ra đi, còn đôi gánh của mẹ Ân cũng mòn theo năm tháng.
Sau sáu năm chăm chỉ làm việc chùa và cố gắng học hành, Ân về quê làm hồ sơ thi đại học, nhưng đó cũng là thời điểm ung thư trực tràng và ung thư gan của mẹ Ân đến giai đoạn cuối. Năm anh em Ân cùng người cha gõ cửa tất cả bà con họ hàng vay tiền, đưa mẹ vào Sài Gòn nhập viện. Bệnh viện Ung bướu đông, người gặp cảnh khó khăn, khốn cùng không ít. Dưới giường của bà Vân nằm là một manh chiếu khác – chị Phẳng, bệnh nhân ung thư vú vào giai đoạn cuối, không người chăm sóc.
Trong câu chuyện của Nguyễn Hữu Ân và má Phẳng,
người đời cho rằng đó là cái tâm, là sự tốt bụng và lòng nhân ái.
Còn theo triết lý nhà Phật thì đó là một nhân duyên,
biết đâu họ đã là mẹ con với nhau từ kiếp trước.
Cùng là phụ nữ, bà Vân chừng như hiểu được nỗi khát khao của chị Phẳng về cái hạnh phúc của một người mẹ có 5 đứa con trai hiếu thảo chăm sóc. Bà hay nói với Ân: "Khi mẹ chết rồi, con hãy lo cho má Phẳng như mẹ ruột của con". Rồi bà nói với chị Phẳng: "Nếu tôi đi trước, chị đi sau, chị hãy coi thằng Ân như con của chị".
Nằm viện không được bao lâu, mẹ Ân mất. Năm ấy Ân thi rớt đại học.
Cần lắm những tấm lòng
Chị Phẳng sinh ra và lớn lên ở Buôn Ma Thuột. Chị Phẳng từ khi sinh ra đã gặp nhiều chuyện không bằng phẳng như cái tên chị mang: mất cha ngay từ khi còn trong bụng mẹ, rồi suốt những tháng năm tuổi trẻ sự cô đơn, nghèo khó cứ bám riết lấy hai mẹ con chị. Khi mẹ chị Phẳng bị liệt vì đau khớp, cũng là lúc chị có những cơn đau nhói trong ngực. Ra tỉnh siêu âm, người ta nghi ngờ chị bị ung thư vú, khi vào Sài Gòn xét nghiệm, cũng cho kết quả tương tự.
Năm 1992, chị Phẳng vào thành phố điều trị, phẫu thuật loại bỏ khối u. Sau khi mổ xong, chị bình thản về quê, không hề biết rằng tế bào ung thư chưa thật sự bị loại bỏ. Để ba năm sau, khi mẹ chết, chị vào thành phố khám lại mới biết rằng ung thư đã di căn qua phổi, qua xương, còn cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào. "Thôi má cứ ở đây. Giường nào trống thì nghỉ, một bữa cháo, hai bữa cơm thì có bếp ăn từ thiện, chết thì cũng có tổ chức từ thiện chôn cất hẳn hoi", chị Thu Nga, hộ lý của khoa khuyên chị như thế.
Các y bác sĩ của bệnh viện rất thông cảm với hoàn cảnh của chị, hết lòng giúp đỡ về tiền bạc, tiếp máu khi cần và động viên an ủi giúp chị vượt qua những lúc đau đớn, khi chị khóc vì tủi thân.
Sau tết, Ân trở vô Sài Gòn để tiếp tục ôn thi. Ghé vào Bệnh viện Ung bướu, Ân thấy má Phẳng nằm liệt dưới gầm giường, người xanh xao, chân không còn cử động. Không đắn đo, Ân đã ở lại chăm sóc má.
Tại đây, Ân vừa ôn bài, vừa chăm lo cho má Phẳng. Từ sau bốn giờ sáng, em thức dậy xuống bếp từ thiện nấu cháo với các sư cô chùa Bảo Vân. Xong, trở lên làm vệ sinh cho má, những công việc mà trước đây, với mẹ em, má Phẳng đã làm thay. Bây giờ, bao nhiêu hiểu biết, bao nhiêu kinh nghiệm tích luỹ trong những tháng ngày nuôi dưỡng mẹ mình, Ân dành cho má Phẳng – từ cơm cháo, thuốc thang, tắm giặt.
Sau giờ tan học, Ân trở về với má Phẳng. Bệnh viện quá tải, gầm giường cũng không còn, buộc Ân phải đưa má Phẳng ra nhà trọ.
Bệnh viện quá tải, người bệnh người nuôi chen chúc nhau, không đủ chỗ nằm,
chị Phẳng phải nằm dưới gầm giường của bà Bích Vân.
Chẳng hiểu sao, lúc ấy chị Phẳng trở nên khoẻ mạnh lạ thường,
chị đóng vai trò chỉ huy năm anh em của An trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng bà Vân.
Kể cả khi bà Vân qua đời, chị cũng ra tận Vũng Tàu lo mai táng.
Một lần đến thăm chị, đợi cho Ân đi khuất, chị Phẳng nước mắt rưng rưng, nói: "Nó đi rồi tôi mới dám khóc, sợ nó thấy nó rầy. Khổ vậy mà lúc nào cũng thấy nó cười. Tan học về tới nhà là nó la lên: "Con về nè má ơi". Rồi nhào vô xoa bóp chân, hỏi han đủ thứ. Hôm nào kẹt xe về trễ là nó lo, nó lo vì nó sợ tôi lo. Đêm nào cũng thức học bài đến một hai giờ khuya, vậy mà nó vẫn dậy sớm, đỡ tôi ngồi dậy, lấy nước, lấy bàn chải, nặn kem, nấu nước nóng cho tôi lau mình rồi lui cui làm đồ ăn sáng.
Trưởng thành từ lòng bi mẫn
Tôi tìm gặp lại Ân, bây giờ em đã là sinh viên năm thứ ba. Ân trắng trẻo, đẹp trai và lúc nào cũng nở một nụ cười nhân hậu. "Năm ngoái – Ân nói – khi phân chuyên ngành, em chọn ngành văn hoá. Nhưng ngành văn hoá chỉ có một lớp buổi sáng, mà buổi sáng thì em phải đưa má vào bệnh viện nên không học được. Cuối cùng em chọn ngành du lịch để học buổi chiều".
Tôi đâm ra thắc mắc: Với mức thu nhập tối đa mỗi tháng 900 ngàn đồng ở một nhà hàng tiệc cưới - nơi Ân làm việc ca đêm, làm sao có thể nuôi nổi một người mẹ ốm đau, rồi tiền trọ, tiền học phí, tiền ăn… Làm sao đủ tiền trang trải? Trong khi bốn người anh của Ân đã tốt nghiệp đại học mà đồng lương vẫn còn bấp bênh, nuôi cha đang bệnh ở quê nhà còn khó khăn. Chị Phẳng nói: "Hình như mọi thứ đều do bên chùa Bảo Vân họ giúp".
Sư cô Như Giác, quản trị chùa Bảo Vân ở Bình Thạnh kể: "Tôi biết Ân trong một dịp tình cờ khi lên chùa Tường Vân ở Đơn Dương, thấy một cậu bé vừa chăm học lại vừa siêng năng làm công quả. Rồi mấy năm sau, tình cờ gặp em tham gia nấu cháo từ thiện trong bệnh viện Ung bướu, hỏi ra mới biết, em vừa ôn thi vừa nuôi má Phẳng. Từ đó chúng tôi đưa em vào trong chương trình từ thiện của nhà chùa, có một gia đình Phật tử đã nhận giúp đỡ em". Có thể nói, Ân đã được học tập và trưởng thành từ lòng bi mẫn của mọi người.
0 comments:
Post a Comment