Wednesday, November 6, 2013

Bức xúc với cơ quan thuế, hải quan

Standard


Rất nhiều bức xúc của doanh nghiệp đã được phản ánh tại hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp phía Nam về chính sách thuế, hải quan diễn ra ngày 5-11 tại TPHCM.

Khổ vì cơ quan cấp chi cục

Đại diện của Tổng công ty bao bì Liksin mở đầu phần phát biểu của mình trong hội nghị nói trên rằng, thực sự bà không có câu hỏi nào cụ thể mà chỉ muốn tâm sự với các vị lãnh đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trong dịp có mặt đông đủ.

Sau nhiều câu chuyện về khó khăn của doanh nghiệp trước tình trạng quy định, chính sách không rõ ràng, bà nói: “Doanh nghiệp như cá nằm trên thớt, thuế nói gì cũng phải chịu. Quét nhà thì ra rác. Cục thuế thì thoải mái nhưng doanh nghiệp xanh mặt với các chi cục thuế, hành đủ thứ. Thông tư quy định thì phải rõ ràng, đừng để ai hiểu sao thì hiểu”.

Vị đại diện của Liksin dẫn chứng, cán bộ của chi cục thuế khi kiểm tra doanh nghiệp đã nói: “phải phạt doanh nghiệp thôi!”. “Chúng tôi phản ứng là thông tư, quy định coi trên internet rõ ràng như vậy, sao phạt thì họ nói, sếp em nói đi kiểm tra mà không phạt là không được”, bà kể giữa hội trường.

Trong khi đó, đại diện Công ty Lạc Thủy, chuyên sản xuất giày da xuất khẩu thì phản ánh, khi thực hiện nghiệp vụ xuất nhập khẩu, mỗi cục hải quan áp dụng quy định một kiểu. Nơi thì bắt lưu mẫu (hàng trăm, hàng ngàn đôi), nơi lại không khiến doanh nghiệp không biết giải thích thế nào với khách hàng. Đây lại là việc ảnh hưởng đến bảo mật thông tin. Trong khi đó, theo quy định, việc lưu mẫu hàng xuất khẩu đã bãi bỏ từ lâu, chỉ còn yêu cầu đăng ký nguyên vật liệu.

Đại diện Ban Quản lý khu công nghiệp- khu chế xuất TPHCM (Hepza) bày tỏ, có những chuyện rất nhỏ nhưng nhân cơ hội này vẫn phải trình lên Bộ Tài chính bởi chỉ là một quy định nhưng tới hai cách hiểu của hai cơ quan, khiến doanh nghiệp đứng giữa chịu trận. Đó là chuyện xử lý máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu.

Theo quy định hiện hành, viên chức chỉ được xử lý khi có văn bản cho phép của cơ quan quản lý. Tưởng là dễ hiểu vậy nhưng khi đi vào thực hiện, doanh nghiệp thuộc Hepza không được Chi cục Hải quan Linh Trung đồng ý với lý do: văn bản phúc đáp của Sở Khoa học Công nghệ TPHCM có con dấu, chữ ký về vấn đề doanh nghiệp hỏi không phải là văn bản pháp quy.

Ông Nguyễn Việt Hùng, phụ trách xuất nhập khẩu Công ty tư nhân thương mại Minh Luân cũng phản ánh: công ty này chuyên nhập khẩu máy kéo nông nghiệp đã qua sử dụng từ Nhật Bản về tân trang, sửa chữa rồi xuất khẩu đi nhiều nước. Trước khi thực hiện, công ty đã có công văn gửi đến cơ quan hải quan xin hướng dẫn về loại hình nhập khẩu và được Cục Giám sát quản lý – Tổng cục Hải quan trả lời thuộc hình thức tạm nhập tái xuất, thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng.

Vướng mắc phát sinh khi Cục Thuế xuất nhập khẩu lại xác định sản phẩm nhập khẩu của công ty không thuộc đối tượng hoàn thuế. “Đây là mâu thuẫn giữa hai cơ quan thuộc Tổng cục Hải quan. Còn doanh nghiệp thì gặp khó. Mỗi tháng chúng tôi mất 500 triệu chi phí vận hành doanh nghiệp, công nhân viên không có việc làm vì hàng về cảng 20 ngày rồi mà không biết làm sao”, ông Hùng nói.

Tương tự, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh, chuyên nhập khẩu hàng thời trang cũng có vướng mắc về vấn đề hoàn thuế. Theo đại diện công ty, tháng 11-2012 doanh nghiệp có văn bản hoàn thuế giá trị gia tăng 25 tỉ đồng cho số hàng nhập khẩu trước đó, như lâu nay vẫn được hưởng. Sau đó, cơ quan thuế cũng thực hiện xác định lại yêu cầu này hai lần.

Tuy nhiên gần đây, doanh nghiệp này nhận được thông báo không được hoàn thuế vì hàng tồn kho cao. Vị đại diện doanh nghiệp cho hay, nếu lấy lý do hàng tồn kho cao là không hợp lý bởi đặc thù kinh doanh (lấy hàng từ các hãng nước ngoài về làm mẫu, trưng bày nhiều) cũng như tình hình kinh doanh hiện nay khó khăn. Doanh nghiệp hiện không biết phải làm sao?

Trả lời từng vướng mắc của doanh nghiệp, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, người chủ trì buổi đối thoại cho rằng, trong từng trường hợp, rõ ràng là cơ quan quản lý trực tiếp đã làm sai.

Chẳng hạn, trong sự việc của Công ty Minh Luân, ý kiến của Cục Giám sát quản lý là đúng. Trước khi nhập khẩu, doanh nghiệp đã xin phép và về nguyên tắc là được hoàn thuế. Do vậy, ông Tuấn yêu cầu Cục Thuế xuất nhập khẩu phải hoàn thuế ngay cho doanh nghiệp.

Còn trường hợp của Công ty Duy Anh, ông Tuấn cho biết, cơ quan chức năng phải hoàn thuế cho doanh nghiệp. Nếu chậm phải trả lãi. Quy định tồn kho cao không được hoàn thuế phải đến năm 2014 mới áp dụng.

Hay như tâm tư của đại diện Công ty Liksin, ông Tuấn khẳng định, rõ ràng cơ chế có vấn đề khi doanh nghiệp sợ nhất là các chi cục. Hiện tại, 80% số thu thuế nằm ở cục nhưng cán bộ thuế lại tập trung ở chi cục.

Điều đó có nghĩa nhiều người mà ít việc nên “sinh chuyện”. Lãnh đạo các cục thuế có mặt phải bình tĩnh lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để có thái độ, xử lý. “Cơ quan thuế phải đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không phải đồng rồi hành”, ông Tuấn nói.

Nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ

Tuy nhiên, không phải tất cả các vấn đề của doanh nghiệp đều được giải quyết khá dễ dàng như trên. Vẫn có nhiều doanh nghiệp dù đã gặp được lãnh đạo của Bộ Tài chính nhưng vướng mắc, khó khăn vẫn còn nguyên vì quy định gây khó, vì sự chưa thống nhất giữa các cơ quan… và tiếp tục chờ đợi.

Đại diện Công ty AVAL, chuyên sản xuất bình xịt côn trùng trình bày vướng mắc, công ty được Cục Thuế TPHCM hướng dẫn áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 5% cho sản phẩm sản xuất. Vậy nhưng mới đây, thanh tra Bộ Tài chính lại quyết định mức thuế áp dụng phải là 10% và tiến hành truy thu thuế với công ty.

Thực tế này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đó là không bán được hàng vì mức thuế cao hơn các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Số thuế truy thu thì cũng không lấy lại được từ khách hàng vì hàng đã bán.

Đại diện công ty này kể, từ thời điểm truy thu đến nay, doanh nghiệp đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan. Gửi lên Bộ Tài chính thì bị chuyển về Tổng cục Thuế, gửi Cục Thuế TPHCM thì chuyển lên tổng cục. Có công văn gửi Tổng cục Thuế thì lại chuyển lên Bộ Tài chính, gửi trực tiếp cho Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn thì bị chuyển về Tổng cục Hải quan. Cứ thế, các công văn cứ đi lòng vòng 1 năm nay.

Trả lời doanh nghiệp, ông Tuấn nói rằng, công ty thuộc đối tượng bị thanh tra nên Tổng cục Thuế hay Bộ Tài chính cũng không giải quyết được. Doanh nghiệp phải thực hiện đúng trình tự là khiếu nại lên thanh tra bộ, nếu không được mới lên cấp trên. Tuy nhiên, ông Tuấn hứa rằng, sẽ tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, không thể phân biệt con gián hay con muỗi để áp thuế và sẽ cùng thanh tra bộ giải quyết.

Ông Nguyễn Phan Long, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Phong Lan phản ánh, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp mua nhiều hóa đơn. Nhưng khi quyết toán thuế, cơ quan chức năng thẩm tra, phát hiện có những hóa đơn của các doanh nghiệp đã bỏ trốn và yêu cầu doanh nghiệp này chịu trách nhiệm.

Ông Long thẳng thắn, đã có cơ quan quản lý cho doanh nghiệp thành lập, còn công ty ông mua bán đàng hoàng mà gặp trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn thì “cơ quan quản lý chịu, chúng tôi không chịu”, ông nói.

Ông Tuấn thì cho rằng, cơ quan thuế sẽ xác định thời điểm doanh nghiệp mua hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn là trước hoặc sau phát hành để xử lý. Cơ quan thuế đã công bố danh sách doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp cần lên website để xem trước.

Nếu cơ quan thuế không công bố thì cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm. Còn nếu doanh nghiệp mua phải hóa đơn của doanh nghiệp đã bị công bố bỏ trốn thì phải chịu trách nhiệm.


Chuyên trang thông tin về Dầu Dừa.  http://daudua.phattrien.net Dầu Dừa Tinh Luyện www.NukevietCMS.com  Hệ thống quản trị website chuyên nghiệp, hiệu quả, bảo mật tốt. Thiết kế web Hosting  Domain - Tên miền Web Nukeviet Trà Hà Thủ Ô Module Nukeviet Theme NukevietCMS Mua Bán Đồ Cũ  Cửa Hàng Đồ Cũ Dịch vụTên miền quốc tếTên miền Việt NamWindow Web HostingLinux Web HostingTính năng chungJava Web HostingReseller Window HostingDV Email và tính năngEmail HostingEmail Server RiêngThuê máy chủ ảoThuê máy chủ riêngThuê chỗ đặt máy chủChứng chỉ số SSL là gìLựa chọn loại SSLBảng giá Global SignThiết kế Website

0 comments:

Post a Comment